Người khuyết tật đầu tiên được học lái
Anh Nguyễn Thế Cường là chủ hộ kinh doanh cá thể chuyên về vận tải vật liệu xây dựng tại xã Đại Đồng Thành (Thuận Thành – Bắc Ninh). Gia đình anh sở hữu 10 ô tô tải loại 9 tấn, đã sắm cả ôtô con dùng riêng cho gia đình.
Anh vừa được Trung tâm đào tạo nghề và sát hạch lái xe Đông Đô (tại huyện Lương Tài, Bắc Ninh) thông báo nhập học theo các quy định tại Thông tư 12/2017/TT-BGTVT được Bộ GTVT ban hành, có hiệu lực từ 1/6 tới.
Anh Cường có tay phải hoạt động bình thường; hai chân có kích thước không bằng nhau, chân phải hơi nhỏ hơn chân trái một chút; lực chân phải cũng không khỏe như chân trái.
Căn cứ theo thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ GTVT thông tư về điều kiện sức khoẻ đối với người lái xe (Thông tư số 24/2015/TTLT-BYT – BGTVT), trung tâm nhận định anh Cương đủ điều kiện học và sử dụng xe ô tô số tự động nên đã làm hồ sơ giám định sức khỏe. Nếu không có vướng mắc phát sinh, anh Cương sẽ được nhận giấy phép lái xe vào tháng 8 tới, trở thành một trong những người khuyết tật đầu tiên trên cả nước được học lái xe.
Vẫn phải vượt qua nhiều điều kiện
Ông Nguyễn Thắng Quân, Vụ trưởng Vụ quản lý Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ) cho hay, căn cứ theo điều kiện thực tế và kiến nghị của các tổ chức người khuyết tật, Bộ GTVT đã đưa ra nội dung để người khuyết tật được học lái ô tô số tự động trong thông tư 12/2017/TT-BGTVT. Đây cũng là kết quả của việc tách chương trình đào tạo lái xe số tự động và lái xe số sàn thành hai chương trình riêng biệt mới đây của Bộ GTVT.
Ông Trần Văn Toản, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và sát hạch lái xe Đông Đô (người đầu tiên đề xuất và quyết liệt bảo vệ việc tách việc đào tạo lái xe ô tô số tự động và số sàn) vui mừng khi Bộ GTVT tiến thêm một bước khi sử dụng chương trình đào tạo lái xe số tự động cho người khuyết tật.
“Việc Bộ GTVT cho phép người khuyết một tay, hay một chân được lái xe đã là một bước tiến rất nhân văn” – ông Toản đánh giá.
Ông Lê Văn Đại, Giám đốc Trung tâm đào tạo nghề thuộc Cty Vận tải ô tô số 2 (Hà Nội) cho hay, dù thông tư mới của Bộ GTVT quy định mở, cho phép các trung tâm đào tạo lái xe sử dụng chính ô tô của người khuyết tật để đào tạo nhưng trung tâm chưa hình dung hết các trường hợp phát sinh nên đang chờ hướng dẫn thêm của Bộ GTVT.
Ông Nguyễn Thắng Quân cho hay, hiện tại các văn bản pháp lý để đào tạo lái xe về sức khoẻ, về chương trình đào tạo đã có đầy đủ. Điều khó nhất chính là phương tiện để đào tạo và sử dụng đối với người khuyết tật. Ông Quân cho biết, trước tình trạng đa dạng về bệnh lý của người khuyết tật, chắc chắn sẽ có trường hợp người khuyết tật phải nhập xe đặc thù hoặc cải tạo các xe hiện có trên thị trường. “Tuy tạo điều kiện mở cho người khuyết tật nhưng các xe được đưa vào sử dụng đều phải được cơ quan đăng kiểm chấp thuận” - ông Quân nói.
Theo quy định, người khuyết tật lái xe số tự động áp dụng các điều kiện sức khoẻ của người lái xe hạng B1 (ô tô chở người dưới 9 chỗ, xe tải dưới 3,5 tấn) với nhiều điều khoản mở hơn đối với lái xe hạng B2 trở lên. Chẳng hạn người bị cụt hoặc mất chức năng 1 bàn tay hoặc 1 bàn chân, bệnh nhân sau mổ tim… vẫn được lái xe. Thị lực đối với người lái xe hạng B1 cũng yêu cầu thấp hơn hạng B2 trở lên.