Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ ngày 01/01/2020, thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/05/2016 của Chính phủ.
Theo đó, những nội dung mới cơ bản của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP như sau.
Đi xe đạp uống rượu bia cũng bị phạt
Sửa đổi một số nội dung cho phù hợp với quy định của Luật Đường sắt năm 2017, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, các văn bản (mới) hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Trong đó bổ sung hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển xe đạp, xe thô sơ.
Từ 1/1/2020, luật Phòng, chống tác tại của rượu, bia chính thức có hiệu lực, siết chặt hơn các quy định về sử dụng, buôn bán, kinh doanh các loại đồ uống có cồn.
Theo đó, bất kể người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (ô tô, máy kéo, xe máy, xe máy điện, xe mô tô) và phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (xe đạp, xích lô, xe lăn, xe súc vật kéo...) đều không được phép uống rượu bia khi lưu thông trên đường.
Luật hiện hành cho phép người điều khiển phương tiện được lái xe dù trong người có nồng độ cồn, trong đó với xe gắn máy cho phép dưới ngưỡng 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí. Như vậy, quy định mới sẽ cấm hoàn toàn và không còn quy định khung nồng độ cồn.
Cấm ép người khác uống rượu, bia
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia nghiêm cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.
Ngoài ra, luật cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.
Luật nghiêm cấm quảng cáo đối với rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên. Đối với rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ, không được quảng cáo trên truyền hình trong thời gian từ 18h - 21h hàng ngày, trừ trường hợp quảng cáo có sẵn trong các chương trình thể thao mua bản quyền tiếp sóng trực tiếp từ nước ngoài…
Khi quảng cáo, phải có cảnh báo để phòng, chống tác hại của rượu, bia; không quảng cáo trên báo nói, trên truyền hình ngay trước, trong và sau chương trình dành cho trẻ em; không quảng cáo trên phương tiện giao thông…
Tăng nặng mức xử phạt hành vi gây mất an toàn giao thông
Nghị định số 100 cũng điều chỉnh mức xử phạt đối với một số hành vi, nhóm hành vi đặc biệt là các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; những hành vi liên quan đến nguyên nhân gây tai nạn giao thông tăng nặng mức xử phạt đối với các nhóm hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông (như: vi phạm quy định về nồng độ cồn, chất ma túy, đi không đúng phần đường, làn đường, chạy quá tốc độ, đi ngược chiều, lùi xe trên đường cao tốc…);
Đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, mức xử phạt cao nhất đối với người điều khiển xe ô tô từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; đối với người điều khiển xe mô tô từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400-600 ngàn đồng.
Ngoài ra, Nghị định mới cũng sửa đổi quy định về xử phạt trong trường hợp hành vi vi phạm được phát hiện thông qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Theo đó chủ phương tiện có trách nhiệm hợp tác với lực lượng chức năng khi phương tiện có liên quan đến hành vi vi phạm, nếu không hợp tác, không chứng minh hoặc giải trình được mình không phải là người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện. Đồng thời, bổ sung quy định về việc sử dụng thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm.
Bổ sung quy định về việc cơ quan đăng kiểm đưa vào cảnh báo phương tiện có vi phạm trên Chương trình quản lý kiểm định để khi phương tiện đến kiểm định, cơ quan đăng kiểm thông báo cho người đưa phương tiện đến kiểm định biết về việc vi phạm, cơ quan kiểm định thực hiện việc kiểm định theo quy định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định có thời hạn hiệu lực là 15 ngày. Và bổ sung quy định cụ thể về việc không cấp đổi, cấp mới giấy phép, chứng chỉ hành nghề cho cá nhân, tổ chức trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, bao gồm cả trường hợp giấy phép, chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng nhưng chưa hết thời hạn áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng.
>>> Kiểm tra nồng độ cồn, nhiều lái xe 'lòng vòng', tìm cách trốn tránh
>>> Năm ATGT 2020: 'Tuyên chiến với vi phạm nồng độ cồn'
>>> 10 ngày phát hiện gần 100 vụ vi phạm nồng độ cồn