Mức phạt nồng độ cồn khi tham gia lái xe ô tô là chủ đề nóng nhất đầu năm 2020. Khi nghị định 100 chính thức có hiệu lực. Khắp các diễn đàn, mạng xã hội đều chia sẻ những bài viết về mức phạt nồng độ cồn mới nhất năm 2020, uống bao nhiêu thì bị phạt, sau khi uống rượu bao lâu thì hết nồng độ cồn trong khí thở. Bài học lái xe ô tô ngày hôm nay sẽ tổng quát lại về những điểm mới về mức phạt vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông đối với xe máy ô tô và cả xe đạp, bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2020.
Mục lục [Ẩn]
- 1 Mức phạt nồng độ cồn mới nhất cho xe ô tô năm 2020
- 1.1 Cụ thể mức phạt nồng độ cồn cho xe ô tô như sau
- 2 Mức phạt nồng độ cồn mới nhất cho xe máy năm 2020
- 2.1 Cụ thể mức phạt vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển xe máy như sau
- 3 Mức phạt nồng độ cồn đối với người điều khiển xe đạp
- 4 Vậy những người uống rượu bia phải làm gì và những ý kiến trái chiều
Mức phạt nồng độ cồn mới nhất cho xe ô tô năm 2020
So với mức phạt cũ, mức phạt mới năm 2020 sẽ nặng hơn rất nhiều. Điểm khác biệt lớn nhất giữa quy định mới so với quy định cũ là việc bắt đầu từ 1/1/2020, bất kể uống rượu ít hay nhiều, chỉ cần có cồn ở trong khí thở là sẽ bị phạt. Không cần giới hạn tối thiểu như quy định cũ, nội dung này đúng với khẩu hiệu “đã uống rượu bia không lái xe”.
Cụ thể mức phạt nồng độ cồn cho xe ô tô như sau
- Mức 1 – Nồng độ cồn dưới 0.25mg/1l khí thở hoặc 50mg/100ml máu, mức phạt là 06-08 triệu đồng, giam bằng từ 10 đến 12 tháng
- Mức 2 – Nồng độ cồn từ trên 0.25mg-0.4mg/1l khí thở hoặc 50-80mg/100ml máu, mức phạt là 16-18 triệu đồng, giam bằng từ 16-18 tháng.
- Mức 3 – Nồng độ cồn từ trên 0.4mg/1l khí thở hoặc 50-80mg/100ml máu, mức phạt là 30-40 triệu đồng, giam bằng từ 22-24 tháng
Như vậy chúng ta có thể thấy chế tài xử phạt đã tăng lên rất nhiều. Mục đích chính là để tăng sức răn đe người điều khiển ô tô, tránh những vụ tai nạn tàn khốc do rượu bia, mà các vụ nghiêm trọng đa số là do ô tô gây nên. Tuy nhiên không chỉ ô tô, mức phạt nồng độ cồn cho xe máy cũng được tăng lên rất nhiều theo thông tư mới mà anh em nào có ý định “để ô tô ở nhà lấy xe máy đi uống rượu” cũng cần tham khảo. Vậy cụ thể mức phạt nồng độ cồn cho xe máy năm 2020 là bao nhiêu.
Mức phạt nồng độ cồn mới nhất cho xe máy năm 2020
Đối với xe máy, mức phạt tuy không nhiều bằng ô tô, nhưng cũng không hề nhẹ, chưa kể thời gian giam bằng. Mức phạt cao đến mức, những ngày đầu xử phạt của năm 2020, đã có tài xế ..bỏ xe chạy lấy người, không chấp hành nộp tiền phạt mà để xe máy lại và bỏ về.
Cụ thể mức phạt vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển xe máy như sau
- Mức 1 – Nồng độ cồn dưới 0.25mg/1l khí thở hoặc 50mg/100ml máu, mức phạt là 02-03 triệu đồng, giam bằng từ 10 đến 12 tháng
- Mức 2 – Nồng độ cồn từ trên 0.25mg-0.4mg/1l khí thở hoặc 50-80mg/100ml máu, mức phạt là 04-05 triệu đồng, giam bằng từ 16-18 tháng.
- Mức 3 – Nồng độ cồn từ trên 0.4mg/1l khí thở hoặc 50-80mg/100ml máu, mức phạt là 06-08 triệu đồng, giam bằng từ 22-24 tháng
Xe đạp cũng không phải là ngoại lệ, lần đầu tiên trong lịch sử luật giao thông Việt Nam, đi xe đạp mà uống rượu bia cũng vẫn bị xử phạt. Dân nhậu còn đùa rằng có lẽ các nhà làm luật cũng nên nghiên cứu phạt vi phạm đối với đi bộ. Vì đi bộ mà uống rượu ra đường có thể làm liên lụy đến những người đi xe.
Mức phạt nồng độ cồn đối với người điều khiển xe đạp
- Mức 1 – Nồng độ cồn dưới 0.25mg/1l khí thở hoặc 50mg/100ml máu, mức phạt là 80-100 ngàn đồng.
- Mức 2 – Nồng độ cồn từ trên 0.25mg-0.4mg/1l khí thở hoặc 50-80mg/100ml máu, mức phạt là 200-400 ngàn đồng.
- Mức 3 – Nồng độ cồn từ trên 0.4mg/1l khí thở hoặc 50-80mg/100ml máu, mức phạt là 600-800 ngàn đồng.
Tuy luật thay đổi với mức phạt mạnh tay đến như vậy, nhưng lại được đa số người dân rất đồng tình và ủng hộ. Thay đổi về mức phạt nồng độ cồn mới nhất được áp dụng từ 2020 nêu trên được cho là cuộc cách mạng về luật an toàn giao thông là việc phòng, chống tác hại của rượu bia. Trong bối canh rất nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc, mà nguyên nhân chính là do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia gây ra. Thay đổi này là rất cần thiết để cải thiện an toàn giao thông cho mọi người.
Vậy những người uống rượu bia phải làm gì và những ý kiến trái chiều
Trước hết phải khẳng định, uống rượu bia là có hại cho sức khỏe, điều này là không phải bàn cãi về các tác hại đã được cả thế giới công nhận. Tuy nhiên cũng cần nhìn lại, rượu bia là chất xúc tác trong các cuộc vui, trong công việc, trong giao tiếp. Trong công việc xã giao có những trường hợp không thể thiếu chén rượu, ngay cả trong những nghi thức ngoại giao tầm cỡ quốc tế, các nguyên thủ vẫn uống rượu …
Luật sinh ra là để ngăn chặn hiểm nguy và làm xã hội tiến bộ hơn. Bạn vẫn có thể uống rượu bia, đó là quyền của bạn. Nhưng, bạn không thể uống rượu bia và sau đó lái xe, đó là trách nhiệm của bạn đối với những người xung quanh. Các giải pháp cho những người vẫn muốn uống rượu bia, vẫn muốn nhậu, vẫn muốn vui những vẫn chấp hành luật an toàn giao thông đó là:
- Đi nhậu xong đi taxi, xe ôm về
- Đi nhậu kéo theo vợ hoặc người không uống rượu đi cùng, lúc về để người đó đèo về.
- Trong trường hợp lỡ đi xe đến buổi tiệc, khi nhậu xong để xe cá nhân lại, hôm sau đến lấy về.
Ngoài ra không còn phương án nào khác, không có mức tối thiểu nào bạn có thể uống trước khi lái xe. Vì chỉ cần một chén rượu, là bạn đã vi phạm luật rồi.
Chúc các bạn không bao giờ phải nộp phạt nồng độ cồn và luôn lái xe an toàn.