Mặc dù đang mang thai nhưng nhiều chị em vẫn muốn tự mình lái xe. Việc lên xuống xe khó khăn hay thắt dây an toàn đúng cách cho mẹ và bé chị em nên chú ý nhé. Tham khảo bài viết Phụ nữ mang thai nên lái xe như thế nào cho an toàn và hiệu quả để tích lũy thêm kinh nghiệm.
Điều đầu tiên, bà bầu vẫn có thể lái xe được mặc dù có sự khác biệt về cơ thể và những cơn đau bất chợt khi mang thai. Tuy nhiên, Tâm Đức khuyên chị em nào trên 30 tuần thai thì không nên tự lái xe.
Điều chỉnh dây an toàn.
Nhiều người quan niệm dây đai an toàn sẽ không tốt cho em bé trong bụng. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Dây an toàn sẽ giúp người sử dụng giữ chặt những phần cứng của cơ thể, như phần thân trên, khung xương chậu, nhờ đó bảo vệ phần mềm, như phần bụng mang thai nhi.
Dây an toàn nên được bám sát vào người và vòng qua ngực và khu vực bụng dưới. Tuyệt đối không để dây an toàn áp vào bụng trên, vì điều này có gây nguy hiểm cho thai nhi nếu có một cú phanh gấp hay nhấn ga mạnh.
Chỉnh ghế lái phù hợp với cơ thể.
Bà bầu cần di chuyển ghế ngồi theo một khoảng cách thoải mái với bàn đạp ga, lý tưởng nhất là ngồi cách tay lái khoảng 250 mm để bảo vệ bụng bầu trong trường hợp túi khí bung ra khi xảy ra tai nạn. Trong trường hợp bị đau lưng, người điều khiển xe nên đặt một chiếc gối tròn nhỏ hoặc cuộn khăn lại phía sau lưng để thoải mái hơn khi lái xe.
Nghỉ ngơi hợp lý.
Bất cứ khi nào thấy mệt hay cảm giác đau nhức chân do phù nề khi mang thai, bà bầu nên dừng xe chỗ an toàn và nghỉ ngơi hợp lý.
Tránh lái xe đường dài và nghỉ ngơi thường xuyên để giúp lưu thông máu ở bàn chân, bởi bàn chân và mắt cá chân sẽ dễ bị sưng hơn khi ngồi trong một thời gian dài. Vì vậy, hãy nghỉ ngơi, duỗi chân và di chuyển chân, bàn chân và các ngón chân để tránh bị tê nhức.
Lưu ý: Nếu phụ nữ mang thai không lái xe thì nên ngồi ở vị trí giữa của ghế sau. Đây là vị trí an toàn nhất. Nhưng nếu chị bầu nào muốn ngồi phía trước, hãy chỉnh ghế ngồi phù hợp bằng cách kéo ghế ra xa để bảo vệ bụng khi túi khí bung ra.