Bộ GTVT vừa trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt. Trong đó, Bộ GTVT đề xuất sửa đổi, bổ sung, tăng mức phạt nặng đối với hành vi vi phạm điều khiển xe ô tô biển số nước ngoài vi phạm quy định.
Hành vi này tại Nghị định 100 hiện nay chỉ quy định xử phạt chung đối với hành vi lưu hành phương tiện trên lãnh thổ Việt Nam quá thời hạn quy định với mức xử phạt 3 - 5 triệu đồng.
Tại dự thảo sửa đổi Nghị định 100, Bộ GTVT đề xuất chia xử phạt hành vi này làm 2 mức: Qúa hạn dưới 30 ngày và quá hạn trên 30 ngày.
Thời gian qua có nhiều phương tiện vận tải biển số nước ngoài quá hạn lưu hành tại Việt Nam đã bị lực lượng chức năng xử lý - Ảnh minh họa
Theo đó sẽ tăng mức phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng lên 10 - 12 triệu đồng đối với hành vi vi phạm hoạt động quá phạm vi được phép hoạt động và lưu hành phương tiện trên lãnh thổ Việt Nam quá thời hạn quy định dưới 30 ngày.
Đối với hành vi lưu hành phương tiện trên lãnh thổ Việt Nam quá thời hạn quy định từ 30 ngày trở lên, dự thảo Nghị định xử phạt tiền từ 30 - 35 triệu đồng.
Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tái xuất phương tiện khỏi Việt Nam.
Bà Hoàng Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Đường bộ VN) cho hay, thời gian qua có nhiều phương tiện vận tải đường bộ quá hạn chưa tái xuất hoặc tái nhập, nhất là phương tiện vận tải của Lào, Campuchia chia quá thời hạn 30 ngày được phép lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam mà không tái xuất về Lào, Camphuchia.
"Thời gian qua, lực lượng chức năng của Việt Nam đã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm và yêu cầu tái xuất các phương tiện. Việc tăng mức xử phạt đảm bảo tính răn đe, thực hiện nghiêm quy định của pháp luật", bà Hạnh nói.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng đề xuất tăng mức phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng lên 1 đến 2 triệu đồng đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gắn biển số nước ngoài điều khiển phương tiện không gắn ký hiệu phân biệt quốc gia theo quy định; giấy tờ của phương tiện không có bản dịch sang tiếng Anh hoặc tiếng Việt theo quy định; xe chở khách không có danh sách hành khách.
Phạt tiền từ 8 - 10 triệu đồng người điều khiển phương tiện không có giấy phép vận tải quốc tế, phù hiệu vận tải quốc tế liên vận theo quy định hoặc có nhưng đã hết giá trị sử dụng; không gắn biển số tạm thời hoặc gắn biển số tạm thời không do cơ quan có thẩm quyền cấp; điều khiển xe ô tô có tay lái bên phải, xe ô tô hoặc xe mô tô của người nước ngoài vào Việt Nam du lịch tham gia giao thông mà không có xe dẫn đường theo quy định.
Nghị định thư thực hiện Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Campuchia quy định “mỗi chuyến đi, phương tiện được phép ở lại lãnh thổ của bên ký kết kia không quá 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh".