Mục lục bài viết

  • 1. Quyền lợi khi xuất ngũ theo quy định của pháp luật hiện hành ?
  • 1.1 Điều kiện xuất ngũ theo quy định hiện nay
  • 1.2 Quyền lợi của bộ đội xuất ngũ:
  • 1.3 Quyền lợi của bộ đội xuất ngũ khi có thẻ học nghề:
  • 1.4 Thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết xuất ngũ
  • 2. Điều kiện được xuất ngũ trước hạn đối với chiến sĩ công an nhân dân ?
  • 3. Tư vấn xin nhập ngũ lại sau khi xuất ngũ ?
  • 4. Giải đáp vấn đề lãi suất vay vốn học sinh, sinh viên sau khi xuất ngũ ?
  • 5. Điều kiện để sau khi xuất ngũ được ở lại phục vụ quân đội lâu dài ?

1. Quyền lợi khi xuất ngũ theo quy định của pháp luật hiện hành ?

Thưa luật sư, Tôi sẽ xuất ngũ vào năm 2019. Trước khi xuất ngũ chúng tôi có được tư vấn nghề tại trung đoàn. Các trường nghề có mang theo hồ sơ để chúng tôi đăng kí. Theo như thông tin chúng tôi được phổ biến từ cán bộ lãnh đạo và của trường thì tôi được biết bộ đội có thẻ học nghề khi đi học sẽ được miễn 100% học phí và nhiều khoản khác.
Luật sư cho tôi hỏi khi chúng tôi xuất ngũ thì sẽ được hưởng quyền lợi gì và có thẻ học nghề bộ đội được hưởng và miễn những khoản gì?
Xin cảm ơn luật sư!

 

Trả lời:

>> Xem thêm:  Nghĩa vụ công an đi mấy năm và điều kiện tiêu chuẩn để được đi nghĩa vụ công an ?


Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật Minh Khuê, vấn đề bạn quan tâm xin trao đổi cụ thể như sau:

 

1.1 Điều kiện xuất ngũ theo quy định hiện nay

Xuất ngũ là việc hạ sĩ quan, binh sĩ thôi phục vụ tại ngũ trong Quân đội nhân dân và lực lượng Cảnh sát biển. Theo quy định tại Điều 43 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015, điều kiện để xuất ngũ được xác định:

Thứ nhất, đối với Hạ sĩ quan, binh sĩ đã hết thời hạn phục vụ tại ngũ thì được xuất ngũ

+ Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng.

+ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ nhưng không quá 06 tháng trong trường hợp sau đây:

- Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu;

- Đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn.

Thứ hai, đối với Hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ có thể được xuất ngũ trước thời hạn khi được Hội đồng giám định y khoa quân sự kết luận không đủ sức khỏe để tiếp tục phục vụ tại ngũ hoặc các trường hợp:



+ Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận;

+ Một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%;

+ Một anh hoặc một em trai của liệt sĩ;

+ Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên;

+ Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân;

 

1.2 Quyền lợi của bộ đội xuất ngũ:

Công dân khi tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định, có đủ điều kiện xuất ngũ theo Điều 43 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì hạ sĩ quan, binh sĩ được hưởng những quyền lợi sau:

Một là, được cấp tiền tàu xe, phụ cấp đi đường, trợ cấp xuất ngũ;

Hai là trước khi nhập ngũ đang học tập hoặc có giấy gọi vào học tập tại các trường thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học thì được bảo lưu kết quả, được tiếp nhận vào học ở các trường đó;



Ba là được trợ cấp tạo việc làm;

Bốn là trước khi nhập ngũ đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội thì khi xuất ngũ cơ quan, tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm thu nhập không thấp hơn trước khi nhập ngũ; trường hợp cơ quan, tổ chức đó đã giải thể thì cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp có trách nhiệm bố trí việc làm phù hợp;

Năm là trước khi nhập ngũ đang làm việc tại tổ chức kinh tế thi khi xuất ngũ tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm tiền lương, tiền công tương xứng với vị trí việc làm và tiền lương, tiền công trước khi nhập ngũ; trường hợp tổ chức kinh tế đã chấm dứt hoạt động, giải thể hoặc phá sản thì việc giải quyết chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ được thực hiện như đối với người lao động của tổ chức kinh tế đó theo quy định của pháp luật;

Sáu là được giải quyết quyền lợi về bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội;

Bảy là đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ theo quy định tại khoản 1 Điều 43 và khoản 1 Điều 48 của Luật Nghĩa vụ quân sự, khi về địa phương được chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức ưu tiên sắp xếp việc làm và cộng điểm trong tuyển sinh, tuyển dụng công chức, viên chức; trong thời gian tập sự được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của ngạch tuyển dụng tương ứng với trình độ đào tạo.

 

1.3 Quyền lợi của bộ đội xuất ngũ khi có thẻ học nghề:

Một trong những quyền lợi được hưởng của công dân sau khi xuất ngũ chính là được trợ cấp tạo việc làm. Quy định này được hướng dẫn bởi Điều 8 Nghị định 27/2016/NĐ-CP, trong đó khoản 3 Điều này đề cập:

Trường hợp hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ, khi xuất ngũ nếu có nhu cầu đào tạo nghề và đủ Điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề thì được hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm”.

Điều 16 Nghị định 61/2015/NĐ-CP quy định về nội dung và mức hỗ trợ đào tạo nghề như sau:



"1. Các đối tượng theo quy định tại Điều 14 Nghị định này tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng được hỗ trợ:

a) Miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hướng dẫn;

b) Vay vốn để tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng theo quy định của chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

2. Các đối tượng theo quy định tại Điều 14 Nghị định này tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp được cấp thẻ đào tạo nghề có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm đào tạo nghề và có giá trị sử dụng trong 01 năm kể từ ngày cấp.

3. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng quy định tại Điều 14 Nghị định này."

Cụ thể được hướng dẫn tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 43/2016/TT-BLĐTBXH về nội dung và mức hỗ trợ đào tạo nghề:

"a) Thanh niên có nhu cầu đào tạo nghề trình độ sơ cấp đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 15 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP mà được cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ đào tạo nghề (sau đây gọi là Thẻ) thì được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư này tiếp nhận, tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp và chi hỗ trợ các nội dung sau:

– Chi hỗ trợ đào tạo quy định tại Điều 10 Thông tư số 152/2016/TT-BTC ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng;

– Chi hỗ trợ tiền ăn, đi lại quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 7 Thông tư số 152/2016/TT-BTC ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng.

Ưu tiên các nội dung chi hỗ trợ đào tạo trong giá trị tối đa của Thẻ, giá trị còn lại của Thẻ (nếu có) chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại.

b) Trường hợp tổng chi hỗ trợ đào tạo và chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại vượt quá giá trị tối đa của Thẻ thì người học tự chi trả phần kinh phí chênh lệch cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trường hợp tổng chi hỗ trợ đào tạo và chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại thấp hơn giá trị tối đa của Thẻ thì ngân sách nhà nước quyết toán số chi thực tế.

c) Trong thời gian đào tạo nghề, nếu thanh niên thôi học (không tiếp tục học cho đến khi tốt nghiệp) thì cơ sở giáo dục nghề nghiệp lập biên bản hoặc ban hành quyết định và được quyết toán chi phí hỗ trợ đào tạo và hỗ trợ tiền ăn kể từ ngày khai giảng đến ngày thanh niên đó thôi học."

Như vậy, khi có thẻ đào tạo nghề thì bạn có thể hưởng những chế độ sau:

- Được hỗ trợ đào tạo quy định tại Điều 10 Thông tư số 152/2016/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng;

- Được hỗ trợ tiền ăn là 30.000 đồng/người/ngày thực học;

- Được hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên. Riêng đối với người khuyết tật và người học cư trú ở xã, thôn, bản thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ: mức hỗ trợ tiền đi lại 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5 km trở lên.

Ưu tiên các nội dung chi hỗ trợ đào tạo trong giá trị tối đa của thẻ đào tạo nghề, giá trị còn lại của thẻ đào tạo nghề (nếu có) chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại. Trường hợp tổng chi hỗ trợ đào tạo và chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại vượt quá giá trị tối đa của thẻ đào tạo nghề thì người học tự chi trả phần kinh phí chênh lệch cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trường hợp tổng chi hỗ trợ đào tạo và chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại thấp hơn giá trị tối đa của Thẻ thì ngân sách nhà nước quyết toán số chi thực tế.

Theo như thông tin bạn cung cấp thì khi bạn đi học tại trường, bạn được miễn học phí, miễn chỗ ở trong ký túc xá nhưng tiền ăn thì vẫn phải đóng cho nhà trường. Bạn cần xem xét trong trường hợp này, thẻ đào tạo nghề có một giá trị chi trả nhất định, Thẻ ưu tiên các nội dung chi hỗ trợ đào tạo, giá trị còn lại của Thẻ nếu có mới dùng được chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại. Do đó, trường hợp của bạn vẫn có thể phải chi trả tiền ăn vì thẻ đào tạo nghề đã chi trả hết các nội dung về hỗ trợ đào tạo.

 



1.4 Thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết xuất ngũ

Tại Điều 44, Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định về thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết xuất ngũ như sau:

- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định xuất ngũ hằng năm đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ.

- Chỉ huy đơn vị từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên quyết định xuất ngũ đối với từng hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc quyền; tổ chức lễ tiễn hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ và bàn giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện đã giao quân.

Thời gian xuất ngũ phải được thông báo trước 30 ngày cho hạ sĩ quan, binh sĩ và Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi giao quân hoặc cơ quan, tổ chức nơi làm việc, học tập trước khi nhập ngũ. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và cơ quan, tổ chức phải tổ chức tiếp nhận hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ.

Hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ; hạ sĩ quan, chiến sĩ hoàn thành thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân khi về nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập trong thời hạn 15 ngày làm việc phải đến cơ quan đăng ký nghĩa vụ quân sự để đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị. (Theo điều 45 Luật nghĩa vụ quân sự 2015).

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./. Tham khảo nội dung liên quan: Cách tính tiền trợ cấp xuất ngũ của người công tác trong lực lượng vũ trang nhân dân ?