Xuất ngũ trở về địa phương, thanh niên trẻ Nguyễn Như Thành, xã Ninh An (huyện Hoa Lư) khá băn khoăn về chặng đường trước mắt: Học nghề gì hay làm công việc gì để có thu nhập, ổn định cuộc sống. Bởi vậy, khi được thông tin về buổi tư vấn, hướng nghiệp cho quân nhân xuất ngũ được tổ chức tại địa phương, Như Thành rất háo hức tham gia.
Sau một buổi được lắng nghe các thông tin, được các đơn vị thực hiện tư vấn trực tiếp, Như Thành đã tìm được hướng đi của riêng mình. Như Thành chia sẻ: em đã được ngành chức năng truyền đạt một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước về học nghề cho bộ đội xuất ngũ, đồng thời chia sẻ nhiều lợi ích từ việc học nghề.
Học nghề không chỉ giúp thu nhập khi đi làm của em cao hơn mà còn thực sự bền vững. Vì vậy, em sẽ nghiên cứu để lựa chọn một nghề học phù hợp thay vì mong muốn đi làm để có luôn thu nhập như trước đây. Em còn trẻ, việc học nghề sẽ rất phù hợp".
Khác với Như Thành, quân nhân xuất ngũ Bùi Văn Nhương, xã Ninh Hải ( huyện Hoa Lư) lại có nguyện vọng đi làm luôn để có thêm thu nhập. Nhương chia sẻ, em muốn được đi làm luôn để có thu nhập phụ giúp gia đình, đồng thời tích cóp để chăm lo cho tương lai.
Qua buổi tư vấn, em nắm được nhiều thông tin về thị trường việc làm, những ngành nghề phù hợp với sở thích, khả năng của bản thân. Nhưng trước mắt, em muốn tìm hiểu thông tin về các thị trường lao động ngoài nước. Qua giới thiệu của ngành chức năng, em được biết đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài vừa có mức thu nhập khá, em lại có có hội được học hỏi, làm việc trong môi trường chuyên nghiệp. Như vậy, sau này khi về nước ngoài khoản tiền vốn, em còn có thêm kỹ năng để xin việc làm tại địa phương. Mong muốn là vậy, nhưng lựa chọn đơn vị nào để gửi gắm cả ước mơ đó thì em sẽ nhờ thêm sự tư vấn cụ thể của ngành chức năng.
Ông Lê Đức Mạnh, Trưởng phòng Lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ, TBXH cho biết: Thời gian qua, Sở LĐ, TBXH đã phối hợp chặt chẽ với Bộ CHQS tỉnh, các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố triển khai các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, lồng ghép các chương trình, đề án về giải quyết việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động cho người lao động nói chung, trong đó đặc biệt chú trọng người lao động là quân nhân sau khi xuất ngũ trở về địa phương.
Qua thực tế triển khai chương trình cho thấy, đa số quân nhân xuất ngũ và gia đình có nhiều băn khoăn về con đường trước mắt: sẽ tìm kiếm việc làm ngay hay lựa chọn học nghề để định hướng lập nghiệp, đảm bảo tương lai cho bản thân và gia đình sau này. Bởi lẽ, các quân nhân còn thiếu thông tin về việc làm, chưa định hình được nghề nghiệp sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, từ đó, tự lựa chọn cho mình một hướng đi phù hợp. Vì thế, những buổi tư vấn, hướng nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng.
Trong các buổi tư vấn, phòng chuyên môn của Sở LĐ, TBXH đã tích cực truyền đạt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động; nguồn vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm… cho bộ đội xuất ngũ để hỗ trợ các quân nhân có sự lựa chọn phù hợp với bản thân và gia đình.
Đồng thời, trong các buổi tư vấn, phòng chức năng của Sở LĐ, TBXH cũng thông tin đến các quân nhân về tình hình việc làm trong và ngoài tỉnh. Hiện nay các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp và các huyện thành phố của tỉnh đang thiếu rất nhiều lao động.
Để tìm việc làm phù hợp với nguyện vọng của bản thân, các quân nhân xuất ngũ có thể liên hệ trực tiếp Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Bình để được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.
Đặc biệt, để thuận tiện cho các quân nhân xuất ngũ, trong các buổi tư vấn, hướng nghiệp, Sở LĐ, TBXH đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh liên hệ 47 doanh nghiệp, cử cán bộ trực tiếp tham gia tư vấn với hơn 16 nghìn chỉ tiêu tuyển dụng việc làm trong và ngoài nước đã được lựa chọn phù hợp trình độ và khả năng của các quân nhân.
Ông Lê Đức Mạnh, Trưởng phòng Lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ, TBXH cho biết thêm: thực tế cho thấy, với lợi thế tuổi trẻ có sức khỏe, lại được rèn luyện trong môi trường quân đội có tính kỷ luật cao, có ý chí, quyết tâm, kiên trì với công việc… quân nhân xuất ngũ luôn nhận được sự ưu tiên của các nhà tuyển dụng, nhất là trong sơ tuyển các chương trình xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, các quân nhân xuất ngũ cần cân nhắc tới hướng đi học nghề.
Khảo sát cho thấy, đa số quân nhân xuất ngũ đều có trình độ THPT trở lên. Có trình độ văn hóa cơ bản, họ dễ dàng tiếp cận với những ngành học phù hợp với xu thế của thị trường lao động hiện nay. Khi có trình độ tay nghề, người lao động sẽ có cơ hội việc làm với mức thu nhập tốt, bền vững và môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Chú trọng tới công tác tư vấn, hướng nghiệp cho bộ đội xuất ngũ không chỉ thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội mà đó còn là cơ hội để bổ sung lực lượng lao động có chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển của chính địa phương mình.